Cách sử dụng thuốc giảm mỡ máu cho bệnh nhân đái tháo đường?

Đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa mạn tính, gây ảnh hưởng đến đường huyết và rối loạn lipid máu. Kiểm soát mỡ máu đóng vai trò quan trọng trong điều trị, giúp giảm biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

1. Tác động của rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường

Ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là type 2, rối loạn mỡ máu phổ biến với đặc điểm. Bác sĩ, giảng viên tại trường Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ bao gồm:

Tăng triglyceride (TG).

Giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C – mỡ tốt).

Tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C – mỡ xấu) dạng nhỏ, đậm đặc.

Sự rối loạn này liên quan đến kháng insulin, làm tăng tổng hợp triglyceride ở gan, giảm phân giải lipid và giảm hoạt động enzyme lipoprotein lipase. Hậu quả là tăng mỡ máu, gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Người đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2-4 lần người bình thường, với các biến chứng chính:

Bệnh mạch vành làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch máu não làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não.

Bệnh mạch máu ngoại vi có thể dẫn đến hoại tử chi.

Do đó, kiểm soát mỡ máu là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.

<center><em>Tăng mỡ máu liên quan mật thiết với đái tháo đường...</em></center>
Tăng mỡ máu liên quan mật thiết với đái tháo đường…

2. Phương pháp kiểm soát rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường

Theo cập nhật năm 2025 của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mục tiêu kiểm soát mỡ máu cho bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:

LDL-C dưới 1.8 mmol/L (70 mg/dL) với nguy cơ rất cao, dưới 2.6 mmol/L (100 mg/dL) với nguy cơ cao.

Triglyceride (TG) dưới 1.7 mmol/L (150 mg/dL).

HDL-C trên 1.0 mmol/L ở nam và trên 1.3 mmol/L ở nữ.

Đạt được các mục tiêu này giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và biến chứng tim mạch. Điều trị rối loạn mỡ máu cần kết hợp điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc. Cả hai biện pháp đều quan trọng, nếu thiếu một trong hai, việc kiểm soát mỡ máu và đường huyết sẽ kém hiệu quả.

2.1. Điều chỉnh lối sống

Đây là nền tảng quan trọng và bước đầu tiên trong điều trị. Các chuyên gia, giảng viên Cao đẳng điều dưỡng tphcm chia sẻ thông tin như sau.

Chế độ ăn uống: Duy trì chế độ ăn khoa học, cân bằng dinh dưỡng:

Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa (mỡ động vật, thịt đỏ, đồ chiên, xào), đường và tinh bột tinh chế để kiểm soát mỡ máu và đường huyết.

Bổ sung chất béo không bão hòa (dầu ô liu, dầu cá, hạt óc chó) và chất xơ từ rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt để giảm hấp thu cholesterol.

Tập thể dục: Hỗ trợ kiểm soát mỡ máu và đường huyết bằng cách:

Duy trì hoạt động thể chất ít nhất 150 phút/tuần với bài tập aerobic, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe…

Kết hợp luyện tập kháng lực để tăng nhạy cảm insulin và giảm triglyceride.

Kiểm soát cân nặng: Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện đáng kể lipid máu và đường huyết.

Tránh rượu bia, thuốc lá: Rượu bia làm tăng triglyceride, hút thuốc giảm HDL-C và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

<center><em>Kiểm soát đường huyết và mỡ máu để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.</em></center>
Kiểm soát đường huyết và mỡ máu để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.

2.2. Điều trị tăng mỡ máu bằng thuốc ở bệnh nhân đái tháo đường

Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kiểm soát mỡ máu.

Các nhóm thuốc phổ biến:

Statin: Lựa chọn chính để giảm LDL-C và nguy cơ tim mạch. Thuốc thường dùng gồm atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin. Người bệnh có nguy cơ tim mạch cao nên dùng statin cường độ trung bình hoặc cao.

Fibrate: Giúp giảm triglyceride, tăng HDL-C. Các thuốc như fenofibrate, gemfibrozil thường dùng khi triglyceride trên 2.3 mmol/L (200 mg/dL).

Ezetimibe: Ức chế hấp thu cholesterol ở ruột, giúp giảm LDL-C. Có thể kết hợp với statin để tăng hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ.

Thuốc ức chế PCSK9: Alirocumab, evolocumab giúp giảm mạnh LDL-C, dùng cho bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao.

Omega-3: Giảm triglyceride và nguy cơ tim mạch, chỉ định khi triglyceride trên 5.6 mmol/L (500 mg/dL).

2.3. Tiến bộ mới trong điều trị rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường

– Thuốc mới:

Inclisiran: Liệu pháp RNA nhỏ (siRNA) đầu tiên giúp giảm LDL-C kéo dài. Tại Hoa Kỳ, thuốc được dùng hỗ trợ chế độ ăn và liệu pháp statin tối đa, chỉ cần tiêm 6 tháng/lần.

Bempedoic acid: Giúp giảm cholesterol xấu bằng cách ức chế tổng hợp cholesterol ở gan. Thuốc có thể thay thế statin cho bệnh nhân không dung nạp statin.

– Ứng dụng công nghệ sinh học:

Liệu pháp gen: Đang được nghiên cứu để điều chỉnh các gen liên quan đến rối loạn lipid máu.

Trí tuệ nhân tạo (AI): Hỗ trợ cá nhân hóa phác đồ điều trị dựa trên dữ liệu sinh học từng bệnh nhân.

Kiểm soát mỡ máu đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường nhằm giảm nguy cơ tim mạch. Phương pháp điều trị kết hợp thay đổi lối sống, thuốc và công nghệ tiên tiến. Việc tuân thủ điều trị, theo dõi định kỳ cùng sự phối hợp giữa bệnh nhân, bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.