Hạ đường huyết là một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người bị bệnh tiểu đường. Khi gặp phải tình huống này, cần phải xử lý ngay để phòng ngừa các biến chứng.
- Hiểu lầm về vitamin D dẫn gây ra việc bổ sung sai cách bạn đã biết chưa?
- Các loại thuốc dùng để trị mụn trứng cá
- Axit citric lợi gì cho cơ thể và Axit citric có ở đâu?
1. Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tình trạng khi mức đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường, thường ≤ 70mg/dL (hoặc ≤ 3,9 mmol/L). Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất là ở bệnh nhân tiểu đường đang sử dụng thuốc điều trị.
Hạ đường huyết có thể do các nguyên nhân sau:
- Ăn không đủ.
- Ăn muộn hoặc bỏ bữa.
- Tiêm quá liều insulin hoặc sử dụng thuốc hạ đường huyết như nhóm sulfonylureas (diamicron, amaryl,…) và meglitinides.
- Tăng cường hoạt động thể chất hoặc tập thể dục quá mức, uống quá nhiều rượu, v.v.
Mục tiêu điều trị hạ đường huyết là khôi phục lại mức glucose trong máu về bình thường và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây hạ đường huyết
2. Điều trị hạ đường huyết ở người dùng thuốc điều trị đái tháo đường
Hạ đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường sử dụng insulin hoặc sulfonylurea. Điều trị chính bao gồm cung cấp glucose ngay lập tức và xử lý tình huống khẩn cấp, tùy theo mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ gồm các giai đoạn sau:
2.1 Giai đoạn nhẹ:
Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi thể chất và tinh thần, buồn ngủ, chóng mặt, đổ mồ hôi, cảm giác đói, co thắt vùng thượng vị, có thể nôn hoặc tiêu chảy, hồi hộp, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đau trước tim, khó thở kiểu hen, chuột rút, tê đầu chi, nhức đầu, nhìn đôi, run lạnh.
Triệu chứng thần kinh: kích thích, vui vẻ, nói nhiều, đôi khi buồn bã hoặc nóng tính.
Cách xử lý: Cung cấp glucose ngay lập tức.
Nếu mức glucose máu dưới 70mg/dL (3,9 mmol/L), bệnh nhân cần được điều trị ngay. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo và có thể tự ăn uống, cho uống nước trái cây, dung dịch glucose hoặc ăn kẹo. Áp dụng quy tắc 15: cung cấp 15g glucose hoặc sucrose, sau 15 phút kiểm tra lại mức đường huyết. Nếu mức đường huyết dưới 80mg/dL (4,4 mmol/L), tiếp tục cho thêm 15g glucose. Khi mức đường huyết trên 80mg/dL, có thể cho bệnh nhân ăn bữa nhẹ chứa carbohydrate phức hợp và protein để ngăn ngừa hạ đường huyết tái phát.
2.2 Giai đoạn nặng:
Biểu hiện:
Hạ đường huyết có thể diễn ra đột ngột hoặc xuất hiện trên nền các triệu chứng nhẹ mà không được xử lý kịp thời.
Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Sững sờ, đờ đẫn, trầm cảm với xu hướng tự sát, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức thoáng qua.
- Cứng hàm (dấu hiệu dễ nhầm với uốn ván).
- Động kinh toàn thân hoặc cục bộ kiểu Bravais-Jackson.
- Liệt nửa người, rối loạn tiểu não – tiền đình như chóng mặt, rối loạn vận động (dễ nhầm với tai biến mạch máu não).
Cách xử lý:
Trong giai đoạn này, việc tiêm glucose ưu trương qua đường tĩnh mạch sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng hơn so với việc sử dụng đường uống.
Khi bệnh nhân không thể uống được, cần tiêm glucagon dưới da hoặc tiêm bắp, với liều lượng tùy thuộc vào tuổi và cân nặng của bệnh nhân. Cần lưu ý rằng glucagon không hiệu quả đối với bệnh nhân bị nhịn ăn hoặc hạ đường huyết kéo dài do mức dự trữ glycogen trong gan thấp.
Kiểm soát tăng đường huyết:
Sau khi điều trị hạ đường huyết, có thể xảy ra tình trạng tăng đường huyết do ăn quá nhiều đường hoặc phản ứng của các hormone điều hòa ngược (glucagon, epinephrine, cortisol, GH). Khi đó, việc điều trị cần tập trung vào việc điều hòa lại mức glucose máu.
2.3 Hôn mê do hạ đường huyết:
Giai đoạn này rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:
- Co cơ, co giật, tăng phản xạ gân xương.
- Co đồng tử.
- Cứng hàm.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Mặt đỏ bừng.
Xử trí: Nếu được truyền glucose kịp thời, bệnh nhân có thể hồi phục. Tuy nhiên, nếu không can thiệp sớm, tình trạng có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến hôn mê sâu và tổn thương não không hồi phục. Trong trường hợp hạ glucose máu nghiêm trọng và kéo dài, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu này, cần cấp cứu ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.
3. Xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân không dùng thuốc
Điều dưỡng, giảng viên Cao đẳng điều dưỡng tphcm chia sẻ:
Dù bệnh nhân không sử dụng insulin hoặc sulfonylurea nhưng vẫn bị hạ đường huyết, họ cần được cấp cứu với glucose uống, tiêm tĩnh mạch dextrose hoặc glucagon.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây hạ đường huyết cần được điều trị triệt để, cụ thể:
Rối loạn chuyển hóa do khối u tế bào đảo tụy hoặc khối u ngoài tụy: Cần phẫu thuật loại bỏ khối u. Trong trường hợp không thể phẫu thuật ngay, có thể sử dụng diazoxide và octreotide để kiểm soát triệu chứng.
Hạ đường huyết sau cắt dạ dày: Bệnh nhân có thể cải thiện bằng cách ăn các bữa nhỏ, ít carbohydrate thường xuyên. Nếu tình trạng nghiêm trọng, có thể dùng acarbose để làm chậm hấp thu glucose sau ăn hoặc diazoxide để giảm sản xuất insulin.
Ngừng sử dụng thuốc hoặc rượu: Nếu hạ đường huyết do thuốc hoặc rượu, cần ngừng sử dụng các tác nhân này trong quá trình điều trị
Lưu ý: Hạ đường huyết là tình trạng khẩn cấp nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường. Việc nhận diện sớm hạ đường huyết và thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân.