Để trở thành một Dược sĩ, chắc chắn ai cũng đã nghe đến 7 quy định về Dược đức. Đây là các nguyên tắc đạo đức và vai trò của Dược sĩ được Bộ Y tế thiết lập.
- Trả lời thắc mắc: Con trai có nên chọn học ngành Điều dưỡng hay không?
- Góc giải đáp: Y sĩ và Điều dưỡng khác nhau như thế nào?
Quy định về Dược đức có vai trò như thế nào?
Quy định về Dược đức có vai trò rất quan trọng, là những nguyên tắc đạo đức mà người làm trong ngành Y tế, đặc biệt là các Dược sĩ, cần tuân thủ. Đây là cơ sở để các Dược sĩ có thể định hướng đúng đắn trong công việc của mình.
Dược sĩ Cao đẳng Dược với vai trò là thành viên trong ngành Y tế, có trách nhiệm thực hiện 12 điều về Y đức. Bên cạnh đó, họ cần tuân theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp riêng biệt, là nền tảng để rèn luyện, phấn đấu, đóng góp vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
7 Quy định về Dược đức
Ngày 25/6/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2021/TT-BYT quy định về đạo đức nghề Dược. Dưới đây là 7 quy định quan trọng mà người hành nghề Dược cần nắm vững và tuân thủ:
Điều 1. Tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến hành nghề Dược
- Người hành nghề Dược phải tuân thủ không chỉ Hiến pháp và pháp luật mà còn phải tuân theo Luật Dược cùng các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định pháp lý khác có liên quan.
- Ngoài ra, phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề Dược và quy chế của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp mà họ tham gia.
Điều 2. Rèn luyện và tu dưỡng bản thân
- Người hành nghề Dược cần luôn cải thiện kỹ năng giao tiếp, nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, duy trì lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với nghề và bệnh nhân.
- Cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, và tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong công tác chăm sóc sức khỏe.
- Người hành nghề Dược phải sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn để phục vụ công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Họ cũng phải tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Điều 3. Trách nhiệm nghề nghiệp
Dưới đây là cố vấn trường Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ:
- Người hành nghề Dược phải luôn coi trọng và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được thực hiện hành vi làm tổn hại đến danh dự của bản thân, đồng nghiệp và hình ảnh của cán bộ y tế nói chung.
- Cần tuân thủ nghiêm túc các quy định chuyên môn trong lĩnh vực Dược. Không được lợi dụng nghề nghiệp để đạt được lợi ích cá nhân hoặc tạo cơ hội cho người khác vi phạm pháp luật.
- Người hành nghề Dược có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng thuốc một cách hợp lý, an toàn và hiệu quả, đồng thời phải đảm bảo tính tiết kiệm cho bệnh nhân. Họ cần tích cực phát triển các hoạt động dược lâm sàng và nâng cao nhận thức về dược, cùng với việc tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh.
- Phải tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bệnh, không phân biệt đối xử và đối xử công bằng với mọi bệnh nhân, đặc biệt là những người thuộc diện chính sách xã hội. Cần tránh thái độ ban ơn hay lạm dụng nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng thuốc cho bệnh nhân, không giao thuốc kém chất lượng.
- Nếu có sai sót trong quá trình hành nghề, người Dược sĩ cần nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Cần ứng xử lịch sự, có thái độ nhiệt tình và niềm nở với người bệnh, luôn mặc trang phục phù hợp khi thực hiện công việc hành nghề Dược.
Điều 4. Bảo mật thông tin người bệnh
- Người hành nghề Dược phải tôn trọng sự riêng tư và bảo mật thông tin liên quan đến sức khỏe và bệnh tình của người bệnh.
- Thông tin về sức khỏe và đời sống cá nhân của bệnh nhân chỉ có thể được tiết lộ khi có sự đồng ý của họ hoặc trong các trường hợp được pháp luật quy định.
Điều 5. Quan hệ với đồng nghiệp và tổ chức nghề nghiệp
- Người hành nghề Dược cần trung thực, đoàn kết và kính trọng các bậc thầy, hợp tác và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, đồng thời bảo vệ danh dự và uy tín của họ.
- Không được thực hiện các hành vi không đúng đạo đức, gây áp lực, đe dọa hoặc vi phạm pháp luật với đồng nghiệp để đạt được lợi ích cá nhân. Cần tránh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Người hành nghề Dược có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ và giúp đỡ đồng nghiệp trong quá trình hành nghề, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi sai trái trong kinh doanh Dược, luôn tôn trọng đồng nghiệp.
- Phải sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ đồng nghiệp mới trong việc nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ.
- Người hành nghề Dược cũng phải tích cực tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và xã hội do Nhà nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp tổ chức, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Dược.
Điều 6. Quan hệ với người thực hành chuyên môn về Dược
- Người hành nghề Dược có trách nhiệm tham gia vào công tác đào tạo, hướng dẫn người thực hành chuyên môn về Dược, tận tâm truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp.
- Cấm các hành vi sau:
- Phân biệt đối xử hoặc có thái độ không công bằng với người thực hành chuyên môn về Dược.
- Yêu cầu lợi ích vật chất hoặc tinh thần từ những người thực hành chuyên môn.
- Lợi dụng quyền hướng dẫn để ép buộc người thực hành phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc các hành động vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội để đạt được lợi ích cá nhân.
Điều 7. Quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan
- Người hành nghề Dược cần tuân thủ quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp tác chặt chẽ với các cán bộ y tế và nhân viên các cơ quan ban ngành khác trong việc cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai hoặc thảm họa.
- Cần tôn trọng và hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Thông qua các thông tin về 7 quy định về Dược đức được Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, hy vọng các Dược sĩ sẽ luôn tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong ngành Y tế.